Không ai hiểu vì sao, người phụ nữ này lại nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ bị bỏ rơi, chị nói rằng mình đang mang “nghiệp”, thế nhưng cái nghiệp đó lại đem đến cho chị cả những sự cơ cực và niềm hạnh phúc chẳng thể nào đo đếm.
Đó là chị Giáp Thị Sông Hương, một phụ nữ quê ở Bắc Giang vào Sài Gòn lập nghiệp. Cách đây nhiều năm, khi gần 20 tuổi, chị đã một mình Nam tiến với mong muốn sẽ nuôi sống được bản thân, giúp đỡ được gia đình.
Khi vào Sài Gòn, chị làm các công việc như giúp việc theo giờ, nhặt ve chai. Cuộc sống cũng chẳng dễ dàng gì bởi ở thành phố lớn, mọi thứ đều đắt đỏ. Thế nhưng cũng chính những ngày tháng này đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời của chị.
Được biết, gần 30 năm qua, chị Hương đã ở vậy nuôi hơn 100 đứa trẻ. Thế nhưng những đứa trẻ đó đều bị bỏ rơi, không phải con ruột của chị.

Chị Hương kể lại trong một lần đi nhặt ve chai ở bãi rác, chị phát hiện ra một bé gái bị vứt nằm lẫn trong đống rác. Lúc đó hơi thở của bé đã yếu ớt.
Lúc này, chị chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tuổi đời lại còn trẻ, chưa có chồng con nên việc nhặt một đứa trẻ bị bỏ rơi về khiến chị loay hoay vô cùng.
Biết tin chị nuôi đứa trẻ, gia đình liên tục phản đối, mọi người cho rằng chị còn quá trẻ, công việc chưa ổn định lại còn đèo bòng thêm một đứa con rồi cuộc sống sẽ ra sao, ai sẽ cưới chị làm vợ? Chưa kể nhiều người có tin chị nhận con nuôi không hay lại nghĩ chị trót lỡ dại?

Bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ, chị kiên quyết giữ đứa bé lại và chấp nhận mọi khổ cực để nuôi con. Để nuôi được đứa con này, chị đã phải làm nhiều công việc, lúc rảnh chị còn muối thêm dưa cà rồi mang ra đường ngồi bán.
Những tưởng chị chỉ nhận một đứa con nuôi nhưng không, cơ duyên để những đứa bé đến làm con của chị Hương nhiều hơn thế. Một năm sau đó, trong khu trọ của chị lại có nữ sinh mang thai ngoài ý muốn.
Không có người thân bên cạnh, nữ sinh này nhờ chị Hương đưa tới bệnh viện sinh con. Thế nhưng sinh con xong, cô gái này cũng biến mất để lại đứa nhỏ và số tiền viện phí cho chị đóng.
Lúc này, không còn cách nào, chị đành cầm cố dây chuyền vàng của mẹ nhưng vẫn không đủ, cuối cùng chị phải đi gõ cửa từng nhà để xin tiền. Có một số người nghi ngờ, sợ chị lừa đảo cũng chửi bới, dọa đánh. Thế nhưng chị không buồn vì điều đó, trái lại, chị cảm thấy may mắn vì cuối cùng cũng đủ tiền trả viện phí cho đứa nhỏ.

Kể từ đó, mới 20 tuổi đầu, là mẹ của 2 con, chị Hương không kể nổi những vất vả, cơ cực mà mình đã trải qua. Thế nhưng đổi lại, 30 năm sau đó, hai đứa trẻ đầu tiên mà chị nhận nuôi năm nào đã trưởng thành, ra nước ngoài sinh sống.
Ban đầu khi quyết định nhận các con nuôi, chị Hương cũng gặp nhiều hoài nghi. Thế nhưng chị tin vào cái tâm trong sáng của mình rồi cũng có ngày được đền đáp.
Vậy là suốt 30 năm chị đã nhận nuôi hơn 100 đứa trẻ. Kể từ khi làm mẹ, chị cũng thấy mình có trách nhiệm hơn để tạo dựng cuộc sống tốt hơn cho các con.
Từ cô gái lượm ve chai, chị gom vốn khởi nghiệp, việc làm ăn tốt lên, chị mở nhà hàng, khách sạn, công ty rồi lấy chính tiền lãi nuôi những đứa trẻ.

Hơn 30 tuổi, chị chưa lập gia đình vì muốn bản thân lo chu toàn cho các con. Khi bị gia đình giục kết hôn, chị đã thuê một gười đàn ông làm đám cưới giả để bố mẹ yên lòng. Thậm chí, một năm sau đó, cứ khi nào về thăm gia đình chị cũng đều thuê người đàn ông này về cùng. Mãi sau đó, gia đình chị mới ngỡ ngàng khi biết sự thật.
Dù đã làm mẹ của hơn 100 đứa con, thế nhưng chị Hương vẫn muốn có con do mình đẻ ra. Chị đành phải kết hôn giả với một người đàn ông khác để làm thủ tục thụ tinh ống nghiệm. Thế nhưng lúc này, tuổi đã cao, sau nhiề lần thụ tinh chị đậu một lần, tuy nhiên cuối cùng thai lại hỏng. Chị đành từ bỏ ước mơ có đứa con mình đẻ ra để tập trung chăm sóc cho những đứa con nuôi.

Gần đây, khi công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn, chị phải bán cả nhà để lo cho cuộc sống. Thậm chí khi dịch bệnh, khách sạn không có khách, chị cũng đưa hơn 30 đứa con, chủ yếu là trẻ sơ sinh về đây chăm sóc.
Chị cho hay các con của mình rất ngoan, đứa lớn chăm cho đứa bé nên chị cũng không quá vất vả. Các con của chị đều hiểu hoàn cảnh của mình, lại thương mẹ nuôi nên rất ngoan ngoãn.
Chị Hương chia sẻ mỗi tháng chi phí tiền bỉm, sữa, ăn uống của các bé mỗi tháng lên tới hơn 100 triệu đồng. Thời gian chị gặp khó khăn, nhiều bạn bè cũng ủng hộ, quyên góp san sẻ nỗi cơ cực với chị.
Tổng hợp